Nghị định số 10/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, có hiệu lực từ hôm nay 20/5.
Nghị định số 10/NĐ-CP do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành đã sửa đổi, bổ sung rất nhiều vấn đề còn vướng mắc về pháp lý trong luật đất đai trong nhiều năm qua.
Đáng chú ý nhất là Nghị định cho phép cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua sản phẩm trong các dự án không phải dự án nhà ở, bao gồm công trình lưu trú du lịch trên đất thương mại.
Cụ thể, khoản 4 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP đã bổ sung trường hợp được chứng nhận quyền sở hữu với công trình xây dựng không phải là nhà ở.
Theo đó, chứng nhận quyền sở hữu đối với công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch trên đất thương mại, dịch vụ nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng, pháp luật về kinh doanh bất động sản thì được chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ; thời hạn sử dụng đất theo quy định tại khoản 3 Điều 126, khoản 1 Điều 128 của Luật Đất đai.
Chủ sở hữu công trình xây dựng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng quy định tại khoản này được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.
Việc thể hiện thông tin về thửa đất trên Giấy chứng nhận phải đúng mục đích và thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định nêu trên, kể từ ngày 20/5/2023, đối với căn hộ du lịch (condotel) nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu (thực tế thường được gọi là sổ đỏ).
Tuy nhiên, vì condotel không phải là nhà ở. Do đó, dù được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu thì người sở hữu cũng không được đăng ký thường trú tại condotel đó.
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, ban hành theo thẩm quyền các văn bản để tổ chức thực hiện Nghị định số 10/2023/NĐ-CP, đẩy mạnh cấp “sổ đỏ” cho căn hộ condotel, officetel, biệt thự du lịch (căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú)…
Theo đánh giá của các chuyên gia:
Nghị định số 10/2023/NĐ-CP sẽ tháo gỡ nút thắt pháp lý cho doanh nghiệp và người mua căn hộ khách sạn, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (condotel), văn phòng lưu trú (officetel), biệt thự du lịch nghỉ dưỡng và những công trình khác phục vụ lưu trú, du lịch trên đất thương mại, dịch vụ.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cho rằng, Nghị định mới đã được cả thị trường mong chờ từ rất lâu và khi có hiệu lực sẽ tạo được lối thoát cho nhiều dự án đang dở dang.
Lâu nay, vấn đề pháp lý cho loại hình condotel chưa rõ ràng, cũng có địa phương “xé rào” gỡ nút thắt này nhưng phải thu hồi ngay sau đó. Vì vậy, Nghị định mới của Chính phủ đã tạo ra hành lang pháp lý để người mua yên tâm về quyền sở hữu và giá trị tài sản của họ, tạo ra một làn gió mới trên thị trường bất động sản du lịch.
“Đối với giao dịch mua bán Condotel, khách hàng sẽ yên tâm hơn vì có thể sở hữu rõ ràng khi loại hình này được Nhà nước chứng nhận. Giao dịch mua bán ở thị trường thứ cấp cũng được đơn giản hóa. Người mua – người bán chỉ cần ra văn phòng công chứng làm thủ tục chuyển nhượng là xong. Trong khi trước đó, ngoài ra công chứng, người mua còn phải qua làm thủ tục với chủ đầu tư và mất thêm một khoản phí cho chủ đầu tư“, ông Toản dẫn giải.
Đối với việc quản lý vận hành, chủ sở hữu cũng sẽ được bảo vệ theo Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở.
Thỏa thuận giữa chủ căn hộ và đơn vị quản lý vận hành cũng sẽ có sự cân bằng. Trước đây, chủ nhà đưa hợp đồng rồi giao và phụ thuộc hoàn toàn vào đơn vị quản lý vận hành, nhưng bây giờ người mua sẽ có quyền tự quyết cao hơn với căn hộ của mình.
Cũng bày tỏ sự ủng hộ quy định mới, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam – cho rằng, hệ thống pháp luật yếu kém đã trở thành rào cản, khiến thị trường bất động sản du lịch “đóng băng” suốt thời gian qua. Đây chính là nghịch lý của thị trường.
“Nghị định số 10/NĐ-CP được nhiều chủ đầu tư và nhà đầu tư chờ đợi đã tạo ra một bước đột phá, trong việc đồng bộ hệ thống pháp luật. Với chính sách mới này, các dự án dang dở tại trung tâm du lịch nghỉ dưỡng lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…sẽ được hưởng lợi, gỡ vướng về pháp lý”, ông Đính nói.