Nhiều chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản hiện nay là giai đoạn sàng lọc những vấn đề rủi ro, nhất là trái phiếu. Lãnh đạo các doanh nghiệp buộc phải tái cơ cấu lại tổ chức, sản phẩm, hoạt động tài chính để chọn được các hướng đi an toàn hơn.
Ông Nguyễn Anh Quê – Chủ tịch Tập đoàn G6 – chia sẻ, trong 7 tháng vừa qua từ tháng 4 đến tháng 11/2022, thị trường bất động sản gần như đóng băng tất cả các phân khúc, ngay cả sản phẩm chung cư để ở cũng có dấu hiệu giảm giao dịch, xuống giá. Việc này làm tăng rủi ro nợ xấu các ngân hàng do khách hàng không có khả năng trả nợ và làm giảm thu ngân sách quốc gia, giảm tốc độ phát triển nền kinh tế.
Theo đó, rủi ro phá sản các doanh nghiệp bất động sản rất cao. Động lực tăng trưởng nền kinh tế sẽ đổ dồn vào giải ngân vốn đầu tư công, tiêu dùng và du lịch.
Theo ông Quê, doanh nghiệp bất động sản ngoài việc trông chờ yếu tố trợ lực bên ngoài trong giai đoạn này các doanh nghiệp phải nắm rõ nguồn lực nội tại của doanh nghiệp để có hướng đi và kế hoạch phù hợp.
“Trong nguy có cơ, giai đoạn khó khăn giúp doanh nghiệp tự cơ cấu lại mình và thanh lọc thị trường. Hiện nay đa số doanh nghiệp lựa chọn thu hẹp chi phí, tận thu hợp pháp nhất có thể hoặc chuyển đổi ngành nghề xã hội cần mà phù hợp nguồn lực”, ông Quê nói.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết:
Qua quá trình làm việc và tư vấn cho một số doanh nghiệp ông nhận thấy hiện nay đang là cuối quý IV, nhưng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn trong huy động vốn để về đích kế hoạch cuối năm.
“Tôi đang làm việc với một số doanh nghiệp để tư vấn tái cơ cấu cho họ và thấy rằng, doanh nghiệp mong muốn nhanh chóng được bù đắp dòng tiền để hoàn thiện các dự án dang dở sắp hoàn thiện, đẩy mạnh bán hàng nhanh thu tiền về, giải quyết khó khăn trước mắt”, Luật sư Hà cho biết.
Theo ông Hà, dù muốn hay không, trong bối cảnh này, đa số doanh nghiệp đang phải tái cấu trúc quy mô, quy trình, phương thức quản lý… để tối ưu hóa dòng tiền. Họ tìm cách nâng cao năng suất lao động, cắt giảm nhân sự, tiết giảm chi phí và tập trung vào những dự án kinh doanh cốt lõi để ra dòng tiền trước.
Luật sư Hà nói:
“Họ cũng tăng cường các hoạt động M&A, chấp nhận bán bớt các dự án mà họ thấy không đủ vốn để làm hoặc là những dự án nếu chậm triển khai thì có thể bị thu hồi. Để trả nợ trái phiếu đáo hạn, hiện nay một số doanh nghiệp bất động sản thực hiện hoán đổi trái phiếu cho nhà đầu tư bằng cổ phiếu hoặc căn hộ với chiết khấu cao nên cũng giảm được phần nào áp lực”
Theo TS. Cấn Văn Lực, thị trường bất động sản cần cơ cấu, kiểm soát lại rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá; có phương án xử lý việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong hai năm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản cần phải chuyển đổi số để kịp thời đón đầu xu hướng mới. Trong đó việc thích ứng để có thể quản lý thay đổi, quản lý rủi ro… là điều tất yếu.
Ngoài tín dụng, doanh nghiệp bất động sản cần lưu tâm, linh hoạt huy động vốn từ các kênh khác như phát hành trái phiếu, chào bán cổ phần, phát hành cổ phiếu, từ quỹ đầu tư, quỹ REIT, thuê tài chính…
Doanh nghiệp bất động sản phải hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết… Đặc biệt, việc huy động vốn phải gắn với mục đích sử dụng cụ thể và đi kèm quản lý rủi ro tài chính về dòng tiền, lãi suất, tỷ giá…