Đề xuất đặt tên cho 4 cây cầu Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn
Cầu số 1 vẫn giữ tên là “Thủ Thiêm”
Theo đó, cầu số 1 (hoàn thành từ 2007, nối TP Thủ Đức với quận Bình Thạnh và quận 1) được đề xuất đặt tên là Thủ Thiêm. Theo Sở Văn hoá và Thể thao TPHCM (VHTT), địa danh đã có từ thế kỷ XVIII. Chính quyền thời đó cho lập đồn binh ở Thủ Thiêm để kiểm soát việc đi lại trên sông Sài Gòn và phòng thủ cho khu vực trung tâm.
Cầu số 1 dự kiến sẽ có tên gọi chính thức là cầu Thủ Thiêm |
Cầu số 2, “Bason” gợi nhớ một thời lịch sử
Bên cạnh đó, Sở VHTT đề xuất đặt tên cầu Thủ Thiêm 2 là Bason. Cây cầu này nối TP Thủ Đức với quận 1 qua sông Sài Gòn đã được hợp long vào tháng 9/2021 và dự kiến đưa vào khai thác trong quý II/2022. Theo Sở VHTT, Bason là tên gọi có từ năm 1790. Chúa Nguyễn Ánh sử dụng tên gọi này đặt cho một trại thủy quân và xây dựng “Xưởng thủy” bên bờ sông Sài Gòn.
Cầu số 2 nối từ Thủ Thiêm sang khu vực đặt cảng Ba Son nên được đề xuất đặt tên là Bason |
Bason còn gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng và được công nhận là di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia.
Cầu số 3, “Thủ Ngữ”, vị trí ngã ba đắc địa
Cầu số 3 có tên dự kiến là Thủ Ngữ. Theo Sở VHTT, Thủ Ngữ là tên một cột cờ đối diện bến Nhà Rồng, được xây dựng vào tháng 10/1865 tại ngã ba rạch Bến Nghé – sông Sài Gòn. Cầu hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, chưa được triển khai. Theo quy hoạch, cầu sẽ nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với quận 4.
Thiết kế cầu số 3. Cây cầu dự kiến sẽ mang tên Thủ Ngữ |
Cầu số 4, mãi là “Bến Nghé”
Ngoài ra, Sở VHTT đề xuất đặt tên cầu số 4 là Bến Nghé. Bến Nghé là một địa danh của Sài Gòn – Gia Định đặt cho một bến thuyền ở Sài Gòn và một con rạch nhỏ.