Với tỷ phú Trump, tích trữ đất làm “của để dành” hay đầu cơ mua đi bán lại là điều ngớ ngẩn.
Câu chuyện thuê nhà nhiều hơn mua nhà tại các nước Phương Tây như Mỹ chẳng còn lạ gì với mọi người.
Đây là lối sống khiến nhiều người Châu Á khó hiểu bởi văn hóa tích cóp của để dành, xây dựng tài sản dự phòng…
Thế nhưng tại Mỹ, câu chuyện mua một bất động sản rồi để đó chẳng làm gì hay tậu một khu đất hoang rồi phân lô bán nền là điều còn khó hiểu hơn, bởi họ sẽ phải đóng lượng lớn tiền thuế.
Đấy là nguyên nhân mà nhiều khu bất động sản chỉ được bán với giá 1 USD bởi chủ cũ nợ quá nhiều tiền thuế và người mua mới phải thanh toán khoản nợ này mới được sở hữu.
Như một lẽ tất nhiên, các tỷ phú bất động sản ở Mỹ cũng rất khác so với nhiều nước khi họ thực sự đầu tư, phát triển dự án chứ không chỉ tậu khu đất rồi để đó đầu cơ mua đi bán lại.
Một ví dụ điển hình có lẽ là Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời là một doanh nhân bất động sản có máu mặt trên thị trường.
Trong suốt sự nghiệp làm giàu từ nhà đất của mình, tỷ phú Trump hầu như không để hoang bất cứ căn hộ hay dự án nào, chỉ có chăng là chậm tiến độ xây dựng do gặp rắc rối về dòng vốn.
Mọi sản phẩm bất động sản của ông đều được đưa vào hoạt động và không có bất cứ dự án nào bị treo chứ đừng nói là bắt người mua phải đợi chờ nhiều năm dù đã cọc tiền.
Mảnh đất bỏ hoang đầu tiên
Ông Donald Trump được sinh ra trong gia đình con nhà nòi khi có bố cũng là một doanh nhân trong ngành bất động sản.
Ngay từ thời trẻ, ông đã bắt đầu tham gia nhiều dự án bất động sản quy mô nhỏ của gia đình.
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 22 tuổi, Donald Trump quay về làm việc cho các dự án bất động sản của cha trong vòng 5 năm.
Sau đó, vị tỷ phú này quyết định tách ra để xây dựng sự nghiệp cho riêng mình chứ không trông chờ vào khối tài sản thừa kế khổng lồ từ gia đình.
Dự án đầu tiên mà ông Trump mua là một khu đất bỏ hoang dọc bờ sông Hudson, nơi vị tỷ phú này cho xây dựng khu chung cư cao cấp Trump Place.
Nhờ đầu tư lớn cho khâu thiết kế với phong cách hiện đại mà dự án đã thành công vang dội.
Từ khởi điểm một khu đất hoang, ông Trump bắt đầu sử dụng nguồn vốn có được để xây dựng thêm nhiều dự án bất động sản khác và thậm chí lan sang cả ngành khách sạn.
Tỷ phú Trump từng thâu tóm St. Moritz Hotel và biến nó thành Grand Hyatt Hotel.
Ông cũng là người đã biến những khu đất tầm thường thành các khách sạn hạng sang như Trump International Hotel and Tower.
“Không có gì có thể đem lại thành công hơn danh tiếng thành công trước đó”, tỷ phú Donald Trump chia sẻ.
Rõ ràng, vị tỷ phú Trump dù kinh doanh trong ngành bất động sản nhưng có tầm nhìn chiến lược cực kỳ rõ ràng cũng như chẳng bao giờ thu lời từ việc mua đất bán lại.
Hàng loạt những dự án lớn trong nước của ông từ Trump World Tower, Trump Building đến Trump Park Avenue hay những khu bất động sản tại nước ngoài như International Hotel and Tower Panama đều được đầu tư xây dựng và kinh doanh thật sự để tạo công ăn việc làm cũng như phát triển kinh tế khu vực.
Tất nhiên, để có tiền mua những dự án này thì tỷ phú Trump cũng vay nợ rất nhiều, thậm chí khu casino Trump Taj Mahal của ông đã từng 6 lần nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Cuối cùng vị tỷ phú này đã phải từ bỏ 50% quyền sở hữu tại đây, đồng thời bán đi du thuyền cũng hãng hàng không của mình để trả nợ.
Dẫu vậy, cá nhân tỷ phú Trump lại chưa bao giờ bị phá sản và ông luôn ưa thích việc vay mượn để thực hiện các dự án đầu tư. Nguyên nhân chính đến từ chiến lược kinh doanh của vị tỷ phú này.
Nghĩ lớn
Xét lại lịch sử kinh doanh bất động sản của Donald Trump, ông sẵn sàng chi nhiều tiền với mức giá cao cho những lô đất tốt dù phải vay mượn ngân hàng.
Theo tỷ phú Trump, đã kinh doanh là phải đối mặt rủi ro và một người thành đạt phải sẵn sàng đón nhận những rủi ro hợp lý.
Bởi vậy vị tỷ phú này thường trả giá cao hơn 50-100% cho một khu đất nếu nó ở vị trí đẹp rồi biến chúng thành dự án đầy lợi nhuận.
“Đã mất công nghĩ, tại sao không nghĩ lớn”, tỷ phú Trump nói.
Tuy nhiên, người thông minh sẽ không chơi trò may rủi cá cược mà phải luôn kiểm soát rủi ro ở mức nhất định để dù có thất bại nhỏ cũng không bị loại khỏi cuộc chơi vĩnh viễn.
Đây có lẽ là lý do tỷ phú Trump từng nộp đơn bảo hộ phá sản cho dự án casino của mình cũng như dính líu đến vô vàn vụ kiện tụng về tín dụng bất động sản nhưng ông không bao giờ bị loại khỏi cuộc chơi.
“Chìa khóa cho một chiến lược đầu tư thành công là phải có thêm một khoản tiền trong tay mà không phải dùng ngay”, Donald Trump từng chia sẻ.
Điều đặc biệt là tỷ phú Trump thường vay nợ ngay cả khi ông dư dả tài chính, bởi đây là thời điểm các ngân hàng dễ cho vay nhất.
Một điều đáng khâm phục nữa là tỷ phú Trump không bao giờ đầu hàng và luôn tìm cách giải quyết các khó khăn. Hầu hết những dự án danh tiếng của Donald Trump đều có mẫu số chúng: khu bất động sản ban đầu có vấn đề như kinh doanh không lợi nhuận, đất hoang, dính nợ nần và được vị tỷ phú này mua lại với giá hời.
Tiếp đó, chính Donald Trump sẽ là người đề ra kế hoạch xây dựng, vực lại dự án hay biến khu đất hoang thành khách sạn, nhà cao tầng, casino.
Triết lý của tỷ phú Trump là ông luôn hướng đến tiêu chuẩn và giữ được thương hiệu cho mình, tạo được niềm tin cho khách hàng.
Ngoài ra việc lựa chọn được các khu bất động sản ở vị trí đẹp khiến những dự án của ông thu hút được người mua.
Ví dụ để có thể marketing và chào bán được Tòa nhà Trump số 40 Phố Wall, Donald Trump đã tạo ra những khác biệt cho nó.
Đầu tiên, ông sử dụng hàng loạt diện tích các tầng khác nhau như một đặc điểm để thu hút, sau đó tìm những người thuê cần một khoảng không gian nhỏ nhưng sẽ trả một mức giá cao để có được cảnh quan đẹp nhìn ra từ tất cả các cửa sổ.
Donald Trump đã tạo ra vẻ độc đáo cho tòa nhà bằng cách đảm bảo toàn bộ công việc xây dựng phải có chất lượng và công nhân tốt nhất.
Ông tận dụng được hai hệ thống đường dây từ hai trạm bán dẫn riêng biệt.
Vị tỷ phú này còn thuyết phục được công ty con Edison cung cấp điện cho tòa nhà với mức giá ưu đãi và ổn định cho những người thuê nhà.
Một yếu tố nữa khiến tỷ phú Trump trở nên khác biệt với các công ty bất động sản Châu Á là quan điểm về đầu cơ.
Ông Trump từng khuyên bất cứ ai đầu tư vào bất động sản hãy có niềm tin vào thị trường, mua để giữ lại thay vì đầu cơ lướt giá.
Theo tỷ phú Trump, việc đầu cơ mua đi bán lại trên thị trường bất động sản khá nguy hiểm và sẽ chẳng thể giàu có chỉ sau 1 đêm được.
Thay vì mạo hiểm, mọi người nên mua, giữ lại và chờ thời cơ lâu dài.
Với quan điểm này, không khó hiểu khi những tỷ phú bất động sản như Donald Trump mua đất để kinh doanh, xây dựng cũng như thực sự đóng góp cho nền kinh tế địa phương hơn là chỉ bỏ đó làm quỹ đất hay phân lô bán nền.