Môi giới bất động sản “thấp thỏm” lo Tết

Môi-giới-bất-động-sản-thấp-thỏm-lo-Tế

Cuối năm nay, Bất động sản được dự báo sẽ không có diễn biến mới mẻ so với cùng kì năm ngoái. Thậm chí, theo một số chuyên gia trong ngành, tình hình có vẻ còn “căng” hơn so với thời điểm cuối năm 2021.

Những động thái nới room tín dụng gần đây gần như không tác động gì đến thanh khoản thị trường BĐS. Việc khó tiếp cận nguồn vốn để mua bất động sản vẫn là tình hình chung của thị trường hiện nay. Cùng với đó, tình trạng bán cắt lỗ, bán dưới giá vốn đang diễn ra ngày càng nhiều ở những nhà đầu tư “đuối” tài chính. Dù không “tắt hẳn” giao dịch nhưng thanh khoản kém cùng với động thái khá dè dặt xuống tiền của người mua đang khiến thị trường BĐS trầm lắng rõ nét.

Điều này đồng nghĩa với việc, môi giới bất động sản đã khó khăn lại càng lo lắng hơn vào thời điểm giáp Tết. Còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết nguyên đán, nhiều môi giới BĐS tỏ ra lo lắng cho thị trường BĐS cũng như mức thu nhập của bản thân.

Thời gian qua, sau đợt Covid-19, nhiều môi giới bất động sản có niềm tin hơn vào thị trường khi thấy hoạt động mua bán trở lại. Tuy nhiên, sau thông tin siết tín dụng khoảng cuối tháng 5/2022 đã gây nên “cú sốc” thực sự cho thị trường BĐS. Kể từ sau khoảng thời gian đó đến nay, thị trường rơi vào trạng thái trầm lắng giao dịch, môi giới nhiều người thất nghiệp hoặc “nghỉ nghề”. Những môi giới còn bám trụ được với nghề đến thời điểm này cũng khá “lay lắt”, làm nhiều việc cùng lúc.

Là môi giới cho một sàn bất động sản tại Tp.Thủ Đức, Tp.HCM đã 3 năm nay, anh V tỏ ra không mấy lạc quan vào thời điểm cận Tết.

Theo anh V, anh không kì vọng vào thưởng Tết chỉ mong sao từ giờ đến cuối năm bán được hàng để có hoa hồng cũng là điều không dễ ở giai đoạn này. Được biết, hơn 2 tháng nay, anh V không có giao dịch, vừa áp lực chỉ tiêu với sàn, vừa ảnh hưởng thu nhập lo toan cuộc sống. “Nếu tình hình giao dịch vẫn ảm đạm như lúc này thì rất căng”, anh V bày tỏ.

Là một môi giới tự do, không áp lực về chỉ tiêu nhưng cũng giống anh V, anh N vừa “thấp thỏm” lo Tết, vừa gánh nặng đè kinh tế khi mà không bán được hàng, không có thu nhập. Nam môi giới này cho biết, gần Tết, nỗi lo “cơm áo gạo tiền” lại càng tăng lên. Trước đây, khi thị trường trầm lắng đã có khoản tài chính dự trữ trước đó, còn thời gian, thị trường gặp khó kéo dài, không có nguồn dự trữ nên sống được với nghề là khá khó khăn thời điểm này. Theo anh N, thời gian qua, anh vừa làm nghề, vừa phụ vợ kinh doanh kiếm thêm thu nhập chứ nếu hoàn toàn phụ thuộc vào thu nhập từ môi giới thì khó lòng trụ nỗi.

Nói về tương lai, anh N tỏ ra khá lo lắng khi cho rằng, có thể phải hết năm 2023 chính sách tín dụng với thị trường BĐS mới ổn định trở lại.

Theo anh N, thực tế nhu cầu mua BĐS để đầu tư hoặc ở còn khá lớn trên thị trường nhưng hiện nay họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Từ việc không thể vay ngân hàng hoặc khó khăn trong việc vay khiến nhiều người chấp nhận câu chuyện chờ đợi thêm hoặc không bỏ tiền vào BĐS thời điểm này. Chính điều này đã khiến thị trường BĐS trầm lắng.

Ghi nhận cho thấy, không chỉ môi giới BĐS gặp khó khăn, nhiều nhà đầu tư cũng đang như “ngồi trên đống lửa” khi thị trường gặp khó về thanh khoản. Đáng nói, hiện nay có khá nhiều môi giới BĐS vừa làm môi giới, vừa là nhà đầu tư. Theo đó, khi thị trường biến động, môi giới gặp khó ở cả hai chiều. Điều này đang tạo nên áp lực khá lớn cho những môi giới có dòng tiền mỏng hoặc chỉ tham gia lướt sóng nhưng gặp khó thanh khoản bán không được.

Theo dự báo của một số chuyên gia, thị trường BĐS cuối năm nay còn nhiều thách thức. Nguồn cung hạn chế, thanh khoản không biến động mạnh. Rất có thể, nếu chính sách tín dụng không “cởi mở” hẳn, tình trạng bán lỗ, bán dưới giá vốn BĐS sẽ diễn ra mạnh hơn vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Link nguồn

Join The Discussion

Compare listings

Compare