Thị trường bất động sản kỳ vọng sự phục hồi trong năm tới

Thi-truong-bất-động-sản-ky-vong-su-phuc-hoi-trong-nam-toi

Chia sẻ tại diễn đàn bất động sản được tổ chức mới đây, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết:

Có nhiều ý kiến cho rằng thị trường bất động sản đang suy thoái. Nhưng theo vị chuyên gia này, quý 4/2022 so với quý 2, 3 nếu giảm liên tục thì tạm thời gọi là suy thoái kỹ thuật, hay suy giảm thì đúng hơn. Và để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh hơn, thì cần có bước này.

Nhìn lại thị trường BĐS năm 2022, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, có 2 giai đoạn là “đầu năm hưng phấn, giữa và cuối năm trầm lắng”. Cung và cầu đều giảm mạnh. Trong khi đó, mặt bằng giá bất động sản đi ngang, có giảm nhẹ đối với đất nền và tăng nhẹ với căn hộ.

“Theo quan sát, nhà đầu tư và giới đầu cơ đều không muốn lỗ nên đa số hiện nay đều “nằm chờ”. Lượng giao dịch và khả năng hấp thụ giảm mạnh, doanh thu cũng sụt giảm. Tái cấu trúc, sàng lọc, M&A (mua bán sáp nhập) là những gì đang diễn ra. Tác động này lan sang các lĩnh vực khác khá rõ nét như chứng khoán, nguyên vật liệu, xây dựng,…”, TS. Cấn Văn Lực cho hay.

Cũng theo vị chuyên gia này:

Có 6 thành tố chi phối và tác động đến thị trường BĐS, đó là: tài chính; quy hoạch và cơ sở hạ tầng; tính pháp lý; thông tin, dữ liệu, tính minh bạch; mối quan hệ cung – cầu và giá; kinh tế vĩ mô.

“Nếu chúng ta đánh giá nguyên nhân sụt giảm hay tăng mạnh của thị trường bất động sản thì cũng phải xoay quanh 6 thành tố này. Trong đó, có những vấn đề trước mắt và có cả những vấn đề lâu dài. Vì vậy, đi tìm giải pháp cho thị trường cũng đòi hỏi dựa trên 6 thành tố này”, ông Cấn Văn Lực nói.

Để thị trường bất động sản có thể hồi phục dần từ năm tới, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trước tiên phải giải quyết các vấn đề về pháp lý, kế đến là gỡ nút thắt vốn, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Bên cạnh đó, cần xem xét yếu tố có nên kích cầu thị trường BĐS không, như trường hợp Trung Quốc có những gói hỗ trợ lớn để kích cầu như trợ cấp lãi suất, cho người dân vay tiền,… Ngoài ra, phải kiểm soát rủi ro hệ thống, liên thông giữa tài chính, bất động sản và các vấn đề khác, tức là phải khéo khoanh vùng, bởi BĐS là ngành chủ lực về vốn hóa, đứng thứ hai về phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường.

Cuối cùng, cần tái cơ cấu và chuẩn bị nền tảng cho tương lai. Trong 10 tháng năm 2022, cơ cấu nguồn vốn bất động sản bao gồm 70% từ tín dụng, 10% vốn tự có, 10% từ trái phiếu doanh nghiệp, 7% FDI và 2% từ cổ phiếu.

Cấu trúc vốn này chưa phản ánh sự phát triển bền vững của BĐS. Cấu trúc vốn phải thay đổi theo hướng hệ thống ngân hàng chỉ nên chiếm 50%. Có như vậy, doanh nghiệp bất động sản mới giảm phụ thuộc vào vốn ngân hàng.

Nhìn nhận về thị trường bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay:

Hy vọng năm 2023, thị trường tài chính sẽ phục hồi trở lại, để các nguồn vốn tiếp tục chảy vào thị trường BĐS, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thị trường thoát khỏi cảnh trầm lắng và hướng tới phát triển bền vững hơn. Chính phủ sẽ có những động thái tháo gỡ mạnh mẽ hơn, đồng thời room tín dụng được mở ra trở lại để các ngân hàng có thể tiếp tục cho vay. Các doanh nghiệp cũng sẽ dần làm quen, thích nghi với những quy định mới về phát hành trái phiếu. Như vậy, thị trường BĐS sẽ có thêm các nguồn cung tiền tệ để tạo đà phát triển trở lại.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam:

Năm 2023, khi có room tín dụng mới sẽ giúp thị trường BĐS sôi động hơn so với hiện tại. Dòng tiền room tín dụng mới tuy không nhiều nhưng giúp thị trường có thêm giao dịch từ người mua nhà thực và các nhà đầu tư bất động sản nhỏ lẻ.

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp bất động sản cần cơ cấu, kiểm soát lại rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá. Cần có phương án xử lý việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong hai năm. Chủ động tìm hiểu, tiếp cận chương trình phục hồi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp BĐS cần phải chuyển đổi số để kịp thời đón đầu xu hướng mới. Trong đó việc thích ứng để có thể quản lý thay đổi, quản lý rủi ro… là điều tất yếu.

Doanh nghiệp BĐSn cần phải hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết… Đặc biệt, việc huy động vốn phải gắn với mục đích sử dụng cụ thể. Đi kèm với đó là quan tâm quản lý rủi ro tài chính về dòng tiền, lãi suất, tỷ giá…

Link nguồn

Join The Discussion

Compare listings

Compare