Theo các chuyên gia, thanh khoản chậm cùng hiện tượng giảm giá bất động sản đang lan dần trên thị trường là dấu hiệu cho thấy dấu hiệu ‘xì hơi’. Song, đây chỉ là sự điều chỉnh để thị trường bước sang giai đoạn phục hồi và tăng tốc trở lại.
Thị trường “xì hơi”
Ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia nghiên cứu bất động sản từng đưa ra nhận định rằng: “Thị trường bất động sản đang có những dấu hiệu “xì hơi” rõ nét”.
Cơ sở cho nhận định này, ông Hoàng chỉ ra hàng loạt vấn đề của thị trường, đó là sức mua đang ngày càng suy yếu không chỉ ở thị trường thứ cấp mà cả trên thị trường sơ cấp.
Nhiều người tưởng rằng các nhà đầu tư sẽ đổ tiền mua bất động sản để bảo toàn giá trị tài sản, đồng tiền trong bối cảnh lạm phát, nhưng thực tế là cũng nhiều người do dự thận trọng khi giá bất động sản vẫn ở mức rất cao, họ chuyển hướng dòng tiền sang gửi tiết kiệm hoặc mua vàng, ngoại tệ.
Theo ông Hoàng, nguyên nhân tác động đến diễn biến của thị trường hiện tại không hoàn toàn đến từ các chính sách kiểm soát tín dụng bất động sản. Bởi lẽ, chính sách này đã có từ lâu.
Đây chỉ là một phần tác động làm cho người mua bất động sản không còn dễ dàng vay như trước nữa.
Vị chuyên gia này phân tích thêm, trước khi nói đến câu chuyện liệu thị trường có đang chậm lại để bước vào chu kỳ tăng trưởng mới hay không, thì phải nhìn vào thực tế.
Hiện nay dù thanh khoản chậm, nhưng giá nhà đất vẫn tăng cao so với thu nhập của người dân.
Bên cạnh đó, nguồn cung mới thời gian qua dù có thời điểm được cải thiện nhưng về cơ bản vẫn rất thấp, thấp hơn nhiều so với thời điểm 2019 trở về trước.
Nói về kịch bản tương lai của thị trường trong năm 2022, ông Hoàng thẳng thắn cho rằng, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều thách thức.
Xét trong bối cảnh hiện tại, kịch bản nhiều khả năng nhất là mức giá bất động sản giữ nguyên và các chủ đầu tư sẽ gia tăng các chính sách bán hàng để hỗ trợ cũng như thu hút khách mua.
Thậm chí, khả năng giảm giá sơ cấp là có thể nếu nhà đầu tư áp lực về dòng vốn.
Trong khi đó, ông Đinh Hoàng Thắng, quản lý cấp cao Batdongsan.com đưa ra nhận định chung về thị trường, đó là giá bán sơ cấp rất khó giảm vì nguồn cung hạn chế và nhu cầu cao, đặc biệt là tại trung tâm các thành phố lớn.
Song, diễn biến này có thể trái ngược trên thị trường thứ cấp, giá bán có thể giảm được ở một số phân khúc.
Ông Thắng dự báo, các khu vực xuất hiện cơn sốt đất, giá tăng vọt trong thời gian ngắn nhưng không xứng với tiềm năng thì trong thời gian tới sẽ có hiện tượng giảm giá.
Tuy nhiên, giá chỉ giảm cục bộ tại một số khu vực tăng trưởng nóng nhưng không có động lực phát triển còn những thị trường tăng trưởng với giá trị thực thì sẽ không giảm.
Còn ông Hiển lại đưa ra góc nhìn khác.
Ông Hiển cho rằng, một số thị trường sẽ có thanh khoản giảm, nhất là giảm mạnh tại những khu vực bất động sản chưa tạo ra được dòng tiền khai thác, kinh doanh hay những bất động sản có giá trị lớn.
Việc giảm thanh khoản này đã nhen nhóm từ quý I/2022 nhưng tới nay mới thực sự bắt đầu. Theo đó, tất cả những phân khúc như đất nền, nhà phố… trước đó bị đẩy giá tăng ảo sẽ mất thanh khoản trong thời gian dài nếu vẫn neo giá bán cao như hiện nay.
Nhà đầu tư có thể hạ giá các sản phẩm khoảng 20 – 30% so với thị trường là hoàn toàn có thể xảy ra.
Còn lạc quan với thị trường
“Điều chỉnh để sàng lọc” – đó là nhận định lạc quan của một số chuyên gia. Dù thừa nhận về diễn biến chậm thanh khoản, có phần cắt lỗ nhưng các chuyên gia đặt kỳ vọng vào thị trường địa ốc sẽ sớm phục hồi và tăng tốc.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở CBRE Việt Nam nhận định:
Thị trường sẽ bước vào giai đoạn sàng lọc mạnh mẽ đối với chủ đầu tư. Những chủ đầu tư có năng lực tài chính tốt mới có thể đảm bảo khả năng triển khai sản dự án. Còn đối với nhà đầu tư, tâm lý chung sẽ bị ảnh hưởng khi các chính sách kìm hãm được áp dụng.
Bản thân các nhà đầu tư sẽ có kế hoạch tái cấu trúc các danh mục đầu tư. Việc quyết định đầu tư tại thời điểm hiện tại sẽ được chọn lọc kỹ lưỡng hơn vì phải cân đối yếu tố thanh khoản. Nhà đầu tư sẽ có tâm lý đầu tư dài hạn hơn.
Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định, thị trường bất động sản đang ở mức “chân không tới đất, đầu không tới trời”.
Phần lớn giao dịch bất động sản trong 2 năm vừa qua đều là của nhà đầu tư, số lượng mua để ở chỉ chiếm 0,26 phần nghìn, thị trường là sân chơi của nhà phát triển dự án và nhà đầu tư thứ cấp.
“Nhưng kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt khiến cho lo ngại về thị trường bất động sản, chứng khoán giảm đi, với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, tăng trưởng kinh tế cao, lãi suất tăng ít… giúp cho thị trường sẽ không sụp đổ và sau đó sẽ phục hồi”, ông Nghĩa đưa ra dự báo lạc quan.