Thành phố Thủ Đức được hình thành để tạo ra sự khác biệt, một đô thị năng động, một đầu tàu kinh tế mới không chỉ của TP.HCM mà còn cả khu vực phía đông với vị trí chiến lược tiếp giáp với 2 tỉnh đang tăng trưởng phát triển với vượt bậc là tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương. Thành phố Thủ Đức sẽ là tâm điểm phát triển của tri thức và công nghệ, là trung tâm tài chính của cả khu vực phía đông.
THÀNH PHỐ THỦ ĐỨC – THÀNH PHỐ CỦA TRI THỨC VÀ CÔNG NGHỆ
Thành phố Thủ Đức được thành lập dựa trên sự sáp nhập của 3 quận phía đông TP.HCM gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, có diện tích 21.000 héc ta và có khoảng 1 triệu dân, tức chiếm khoảng 1/10 diện tích, 1/10 dân số toàn TP.HCM. Khu vực này được định hướng hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao để phù hợp với chủ trương chung về phát triển kinh tế số, phát huy năng lực, đổi mới, sáng tạo.
Trong tương lai, thành phố sẽ được xây dựng dựa trên sáu khu vực trọng điểm gồm:
- Khu Trường Thọ được xác định là “trái tim” của thành phố. Nơi đây sẽ định hình một đô thị tương lai, áp dụng những ý tưởng độc đáo và có tính cách mạng nhất về công nghệ.
- Khu công nghệ cao (SHTP) với định hướng trở thành trung tâm sản xuất tự động hoá, ngôi nhà của nền công nghiệp thế kỷ 21 tại Việt Nam.
- Khu Đại học Quốc gia TP.HCM là nơi cung cấp quần thể giáo dục – đào tạo cùng một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng.
- Khu tài chính Thủ Thiêm với tầm nhìn trở thành trung tâm công nghệ tài chính của khu vực.
- Khu Rạch Chiếc được xác định là trung tâm thể thao và sức khoẻ của Đông Nam Á.
- Khu Tam Đa là trung tâm công nghệ sinh thái và khu đô thị có khả năng chống chịu cao.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hoà, Phó chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị TP.HCM, việc phân chia thành phố về phía đông sẽ là khu vực tập trung phát triển về khoa học, giáo dục và đào tạo. Thành phố Thủ Đức kỳ vọng sẽ đóng góp 1/3 kinh tế cho TP.HCM, tức khoảng 7% GDP cả nước.
TIỀN ĐÂU ĐỂ XÂY DỰNG THÀNH PHỐ THỦ ĐỨC?
Đề án thành lập thành phố Thủ Đức được nhiều chuyên gia đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc trên con đường hiện thực hoá đề án này.
Theo tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, tiềm lực để phát triển, giá trị đầu tư cho các đô thị phát triển mới trên thế giới rất lớn. Và ở đây đặt ra thách thức lớn nhất cho chúng ta là tiền ở đâu, kinh phí ở đâu để làm? Trong nguyên lý đô thị, đô thị sinh ra từ đất, tức là khai thác quỹ đất và cứ thế phát triển cơ sở hạ tầng dần dần lên. Nhưng đất đai ở khu vực này hiện tại đang có tình trạng đầu cơ, khai thác như thế nào là thách thức. Ông Cương cho rằng, nên khoán kinh phí đầu tư hạ tầng của thành phố Thủ Đức trên từng mét vuông đất và mỗi mét vuông đất đó có nghĩa vụ đóng góp cho xây dựng. Hễ ai là chủ đất đều phải đóng góp chứ không phải nhà nước bỏ ra hết.
Giáo sư Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, đặt câu hỏi tư duy lấy nguồn vốn từ quỹ đất hiện nay liệu có đúng hay không? Bởi quỹ đất luôn hữu hạn, trong khi nguồn tài chính, ý tưởng sáng tạo bất tận luôn là cơ hội được tạo ra liên tục. Do đó, tư duy cần ngược lại, nghĩa là nên từ chính sách tạo môi trường đẳng cấp quốc tế cao nhất, luật phải là luật tư pháp độc lập, đồng tiền là đồng tiền chuyển đổi được hay ít nhất phải có khu kinh tế đặc biệt, khu tài chính đặc biệt, cho phép đồng vốn nước ngoài chuyển ra chuyển vào một cách tự do…
Những điều này sẽ tạo nguồn tài chính, không phải chỉ nghĩ đến quỹ đất để tìm nguồn vốn như cách tư duy truyền thống, giúp giải quyết vướng mắc trên con đường hiện thực hoá xây dựng thành phố Thủ Đức.
Nguồn: cafeland.vn