Tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết có chiều dài 99 km, quy mô 6 làn xe, tốc độ tối đa cho phép 120 km/giờ đã chính thức đưa vào khai thác
Sáng nay 29-4, tại Km 00 cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây (thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020, đoạn Phan Thiết – Dầu Giây.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hai tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, Mai Sơn – Quốc lộ 45 khánh thành đi vào hoạt động giúp hai trung tâm kinh tế của cả nước là Hà Nội và TP HCM rút ngắn thời gian di chuyển về miền Trung.
Thủ tướng đánh giá cao sự vào cuộc, quyết tâm của các bộ ngành, địa phương giúp hai tuyến cao tốc về đích đúng vào dịp kỷ niệm 30-4 và 1-5. Hai dự án đưa vào khai thác trong điều kiện chịu nhiều khó khăn khách quan, thể hiện tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” của chủ đầu tư, các đơn vị thi công. Thủ tướng cũng chia sẻ, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để sớm hoàn thành tuyến cao tốc xuyên suốt Bắc – Nam, từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Đại diện cho các nhà thầu, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty VinaConex, cho biết:
Việc tham gia thi công cao tốc là một vinh dự cũng như trách nhiệm khi được tham gia vào công trình trọng điểm quốc gia.
“Ngay từ đầu, tập thể công nhân viên VinaConex và các nhà thầu đã luôn cố gắng, triển khai với tinh thần không nghỉ một ngày để đảm bảo tiến độ đề ra, xác định việc hoàn thành dự án là danh dự, uy tín” – ông Thanh nói.
Ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chia sẻ, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đi vào hoạt động tạo ra bước ngoặt lớn giúp tỉnh Bình Thuận kết nối nhanh hơn với TP HCM và các tỉnh phía Nam. Đặc biệt, năm 2023 là năm Bình Thuận được chọn tổ chức Năm du lịch Quốc gia 2023, với lợi thế cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây kết nối với TP HCM sẽ mở ra cơ hội cho Bình Thuận thu hút lớn hơn nguồn khách du lịch, nhà đầu tư đến với địa phương.
Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết có chiều dài tuyến 99 km đi qua tỉnh Bình Thuận (chiều dài khoảng 47,5km) và tỉnh Đồng Nai (chiều dài khoảng 51,5km).
Dự án có điểm đầu nằm trên tuyến đường từ Quốc lộ 1 đi Mỹ Thạnh (thuộc xã Hàm Kiệm, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây tại khoảng Km43+125 (thuộc xã lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai).
Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc loại A vận tốc thiết kế 120 km/giờ; quy mô giai đoạn hoàn chỉnh có 6 làn xe, giai đoạn phân kỳ là 4 làn xe + 2 làn dừng khẩn cấp.
Trước mắt, dự án đưa vào khai thác 3/7 nút giao, bao gồm nút giao với cao tốc Long Thành – Dầu Giây, nút giao với Quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai và nút giao đường nối Ba Bàu với Quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. 4 nút giao thông còn lại sẽ đưa vào khai thác khi hoàn thiện sau.
Công trình có tổng mức đầu tư dự án là 12.577,5 tỉ đồng, do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư.
Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết dự kiến đưa vào khai thác từ cuối năm 2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giá nguyên vật liệu tăng mạnh, thiếu đất đắp nền cũng như năng lực một số nhà thầu thi công nên dự án đến nay mới đưa vào vận hành.
Dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ TP HCM đến các trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực Nam Trung Bộ
Khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1.
Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết về đích không chỉ tạo kết nối giao thông, giao thương thông suốt, mà còn mở ra cơ hội bứt phá cho du lịch, kinh tế xã hội, bất động sản của tỉnh Bình Thuận và khu vực.
Đơn cử, tại đô thị kinh tế – du lịch NovaWorld Phan Thiet hàng loạt nhà đầu tư đã nhanh chóng nhận bàn giao nhà, gấp rút thi công nội thất, lên kế hoạch kinh doanh từ đầu năm nay để về an cư, nghỉ dưỡng và kinh doanh đón đầu làn sóng du lịch khi cao tốc về đích.