Hiện nay, nhiều nhà đầu tư lâm cảnh hết tiền chỉ có đất. Bởi trước đó, có tiền đã dồn hết vào bất động sản, đến nay, thị trường trầm lắng đất khó bán.
Trong bối cảnh các chính sách tiền tệ được kiểm soát chặt chẽ, lãi suất liên tục tăng cao, theo đó, thanh khoản sụt giảm ở nhiều khu vực. Thậm chí, dù được chào mời nồng nhiệt từ môi giới nhưng các nhà đầu tư chỉ đáp gọn: “Hết tiền”.
Anh Vũ Hải, chủ phòng giao dịch bất động sản tại ven Hà Nội cho biết, suốt nửa năm trở lại đây, văn phòng của anh cũng trở nên vắng lặng, khách hàng tới ngày càng ít. Thậm chí, nhiều ngày chỉ có anh cùng các cộng sự của mình mà không có vị khách nào ghé tới.
“Thị trường trầm lắng, nhiều anh em xin nghỉ việc, chỉ còn tôi và một số người đã làm lâu năm tiếp tục duy trì công việc này. Mức giá hiện nay cũng đã hạ nhiệt nhiều so với trước nhưng thanh khoản lại càng giảm. Không như trước kia, giá tăng cao nhưng sức mua lại càng lớn”, anh Hải nói.
Để cải thiện lượng giao dịch, anh Hải tăng thêm chi phí chạy quảng cáo bán hàng. Bên cạnh đó, anh kết hợp thêm việc gọi lại cho các nhà đầu tư quen để chào mời mua bất động sản.
Anh Hải nói:
“Tôi gọi những nhà đầu tư quen lâu năm, nhưng gọi họ cũng than giờ hết tiền, chưa có kế hoạch đầu tư ở giai đoạn này. Vì trước đó, có tiền là họ đã bỏ hết vào đất. Bây giờ nguồn tiền khó, nên đa phần nhà đầu tư không có đòn bẩy để mua. Theo tôi, cuối năm nay thị trường cũng khó cải thiện giao dịch, khác so với những năm trước, càng về cuối năm người mua càng nhiều”
Anh Đức Minh, một nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ:
Trong khi thị trường sốt nóng, anh cũng đã dồn hết tiền để đầu tư vào đất nền. Tuy nhiên, thời điểm này, việc giao dịch được rất khó, nếu muốn bán thì sẽ phải chấp nhận cắt lỗ sâu.
“Có tiền tôi dồn hết vào đất rồi. Bây giờ đúng là, chỉ có đất chứ không có tiền. Đa phần các mảnh đất của tôi đều nằm ở vị trí khá tốt nên bán lỗ đi cũng tiếc. Hiện nay, cũng chưa cần chi số tiền lớn nào nên tôi cứ để đó”, anh Minh nói.
Nhà đầu tư này cho rằng, hiện nay, không chỉ anh rơi vào tình trạng chỉ có đất nhưng hết tiền mà rất nhiều người cũng tương tự. Tuy nhiên, những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ bị tác động rất nhiều. Không chỉ từ việc thanh khoản đi xuống mà vấn đề lãi suất tăng cao cũng đang trở thành áp lực lớn đối với các nhà đầu tư này.
Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển:
Đa phần các nhà đầu tư Việt Nam rất khác các nhà đầu tư nước ngoài ở chỗ, họ thường muốn tối đa hóa tỷ suất lợi nhuận, có nghĩa họ thường bỏ hết tiền vào kênh mà họ thấy có lời nhiều nhất.
Tuy nhiên, những người này thường không có khái niệm về dòng tiền, tức là không duy trì nguồn thu nhập đều đặn. Và thường những ai đã đầu tư vào bất động sản sẽ rất ít khi nhảy sang các ngành khác, trừ một số người đã biết đầu tư chứng khoán từ trước đó.
“Những nhà đầu tư bất động sản cứ dồn từng miếng nhỏ thành một miếng lớn và tập trung tối đa hóa lợi nhuận. Nhìn sang nước ngoài, giả sử một người có 30 – 40 tỷ đồng, họ sẽ mua vài căn hộ để cho thuê lấy tiền chi tiêu mỗi tháng, rồi mua thêm vài mảnh đất, rồi đầu tư chứng khoán, tiền gửi ngân hàng cũng ít nhất có một vài tỷ để thanh khoản. Đôi khi họ không trực tiếp đầu tư mà có thể thuê một bên tư vấn tài chính để quản lý danh mục. Họ an toàn ở chỗ lúc nào họ cũng có tiền mặt, có chứng khoán, có bất động sản khai thác,…
Nhưng các tiểu gia và đại gia của Việt Nam thường dồn hết tiền vào một kênh, lợi nhuận có thể lên tới 30 – 40% một tháng. Vì thế, trong giai đoạn hiện nay, có nhiều người rất dễ bị “tăng xông”, sống trên đống tài sản nhưng không thấy vui”, chuyên gia nói.