Dự báo căn hộ Hà Nội sẽ tiếp tục tăng giá; Đằng sau mức giá “bỏng tay” của Bất động sản TP. Thủ Đức; Khu “đất vàng” 4 mặt tiền ở quận 1 được bàn giao cho UBND TP.HCM; Lo doanh nghiệp Bất động sản “thua thiệt” khi đầu tư các dự án “đắp chiếu”… là những thông tin nóng trong tuần qua.
Dự báo căn hộ Hà Nội sẽ tiếp tục tăng giá
Báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý 3.2022 của CBRE cho thấy, nguồn cung mở bán mới tại Hà Nội trong chín tháng đầu năm 2022 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021, mặc dù vẫn thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước dịch bệnh.
Cụ thể, trong ba quý đầu năm, thị trường Hà Nội ghi nhận 11.805 căn mở bán mới, tăng 3% theo năm. Trong đó, quý 3.2022 ghi nhận 3.640 căn mở bán mới, tăng 5% theo năm. Có đến 59% các sản phẩm mở bán mới trong quý đến từ phía tây Hà Nội, tiếp theo khu phía Nam đóng góp 19% tổng nguồn cung mới.
Chuyên gia CBRE cho rằng, các yếu tố vĩ mô thay đổi nhanh chóng như việc hạn chế tín dụng, mặt bằng lãi suất tăng, các vấn đề về cấp phép tiếp diễn, trong bối cảnh thị trường quốc tế và khu vực có nhiều biến động đã khiến các chủ đầu tư cũng thận trọng hơn khi mở bán sản phẩm mới. Điều này làm cho nguồn cung mới trong chín tháng đầu năm nay chưa cho thấy dấu hiệu phục hồi về mức trước đại dịch.
Đằng sau mức giá “bỏng tay” của bất động sản TP. Thủ Đức
Có lợi thế về vị trí cửa ngõ phía Đông TP.HCM, cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh, và cú hích mạnh từ khi được phê duyệt lên thành phố đã giúp bất động sản Thủ Đức trở nên cực kỳ sôi động trong những năm gần đây.
Đáng nói, bất chấp khó khăn do dịch bệnh Covid – 19 trong giai đoạn 2020 – 2021 và những bất ổn kinh tế hiện nay, giá nhà đất ở TP. Thủ Đức vẫn tăng mạnh ở mọi phân khúc. Sức nóng tăng giá lan toả từ tâm khu đô thị Thủ Thiêm đến mọi ngõ ngách những khu vực tiếp giáp với Đồng Nai, Bình Dương. Nửa đầu năm 2022, TP. Thủ Đức liên tục xuất hiện những siêu dự án với giá bán “đỉnh” nhất từ trước đến nay. Trong đó, Masterise Homes là doanh nghiệp nổi bật khi liên tục tung ra thị trường các dự án có giá bán cao ngất ngưỡng.
Khu “đất vàng” 4 mặt tiền ở quận 1 được bàn giao cho UBND TP.HCM
Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM ban giao cho UBND TP quản lý khu “đất vàng” số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1 (TP.HCM). Khu đất sở hữu 4 mặt tiền tại các tuyến các đường: Hai Bà Trưng, Đông Du, Thi Sách và Công trường Mê Linh.
Khu đất này liên quan đến vụ án biến đất công thành đất tư được TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vào tháng 1/2022. Bản án tuyên giao khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng cho UBND TP.HCM xem xét xử lý. Thi hành bản án, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cùng Viện KSND TP.HCM bàn giao khu đất 6.080m2 này cho UBND TP.HCM. Sở TN&MT tiếp nhận và giao Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý.
Đất nền ở TP.HCM tăng mức quan tâm, vì sao môi giới vẫn than thở?
Anh Bính (TP.HCM) đang rơi vào thế khó khi không biết nên tiếp tục với nghề môi giới bất động sản hay chuyên tâm vào công việc mới trong thời điểm thị trường biến động. Nam môi giới này tham gia thị trường địa ốc được hơn một năm, nhưng bốn tháng qua anh gần như ngồi không vì chưa có được giao dịch nào.
Để có tiền trang trải cuộc sống nhưng vẫn có thời gian để phục vụ nghề môi giới, anh Bính đầu quân cho một công ty tài xế công nghệ, dẫu biết rằng phương án này chỉ khả quan trong một thời gian ngắn.
Thị trường bất động sản đã qua giai đoạn đầu cơ lướt sóng?
Số lượng giao dịch nhà đất chững lại và sụt giảm, nhiều địa phương tăng cường quản lý thị trường Bất động sản, cho đến những khó khăn khi lãi suất tăng, dòng vốn vào kênh đầu tư Bất động sản co hẹp,… Liệu đó có phải là những dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản đã qua giai đoạn đầu cơ lướt sóng?
Kể từ sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm dần trở lại khi số lượng giao dịch nhà đất tại nhiều địa phương bắt đầu tăng đều theo các quý trong năm. Tuy nhiên, bước sang quý 3/2022, số lượng giao dịch nhà đất tại nhiều địa phương thuộc khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã bắt đầu chững lại và sụt giảm.
Xử phạt cá nhân tự vẽ dự án “biệt thự ven sông”, phân lô 9,5ha đất nông nghiệp đem bán
UBDN TP. Đồng Xoài đã ra quyết định xử phạt hành chính ông Nguyễn Phúc Cường (36 tuổi, ngụ phường Tân Xuân) về hành vi hủy hoại đất làm biến dạng địa hình. Đồng thời yêu cầu ông Cường phải khôi phục hiện trạng đất ban đầu trước khi vi phạm.
Được biết, dù chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép, nhưng nhiều tháng nay ông Cường đã cho máy móc san ủi, phân lô khu đất có diện tích gần 9,5ha thuộc tờ bản đồ số 12, thửa đất số 299 (bản đồ chính quy mới), tọa lạc tại ấp 8, xã Tân Thành. Hiện khu đất đã được tách thành 39 thửa nhỏ (đất sào) bám theo đường bê tông xóm, đường quy hoạch số 26 và một thửa lớn, diện tích 49.427m2.
Khu đất này có vị trí cách quốc lộ 14 khoảng 3km, đã được phân lô bám theo đường bê tông xóm có mặt đường rộng 3m và bám theo đường quy hoạch lộ giới 26m, dọc bờ Sông Bé thuộc hồ thủy lợi Phước Hòa. Mỗi lô có diện tích từ 1.000-1.500m2.
Lo doanh nghiệp bất động sản “thua thiệt” khi đầu tư các dự án “đắp chiếu”
Trong văn bản, HoREA cho biết, khoản 17 Điều 3 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định việc điều chỉnh thời hạn sử dụng đất là việc người sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thay đổi thời hạn sử dụng đất trong quá trình sử dụng đất.
Tuy nhiên, nội dung này chưa được quy định đầy đủ tại khoản 2 Điều 179 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chỉ quy định điều chỉnh thời hạn sử dụng đất đối với dự án đầu tư khi hết thời hạn sử dụng đất, nhưng quy định này lại có nhiều bất cập.