Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về dự án Luật đất đai (sửa đổi), trong đó xin ý kiến với ba nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau được cho là phức tạp có tác động đến quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất.
Theo tờ trình mới nhất của Chính phủ, dự án Luật Đất đai sửa đổi (sửa đổi) để nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai, giải quyết chồng chéo, vướng mắc phát sinh, tăng cường quản lý đất đai, thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, phát huy nguồn lực đất đai, thiết lập hệ thống quản lý hiện đại, minh bạch, hiệu quả.
Điểm mới tại dự thảo luật là quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; quy định về các quyền của người sử dụng đất.
Bổ sung nhiều quy định về quyền của người sử dụng đất
Bên cạnh các quyền như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn, quyền được bồi thường, dự thảo bổ sung quy định quyền được thế chấp, cho thuê lại quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm, bán tài sản thuộc sở hữu gắn liền với đất.
Quyền và nghĩa vụ trong việc xây dựng công trình ngầm, trên không, quyền tự đầu tư trên đất và các quy định về góp quyền sử dụng đất để xây dựng, chỉnh trang đô thị phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Bổ sung quy định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sử dụng.
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dự thảo đã bổ sung quy định về nguyên tắc bảo đảm tính đặc thù, liên kết vùng.
Đảm bảo đồng bộ với các quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng, đô thị, phù hợp với tiềm năng đất đai, đồng bộ ba cấp, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chi tiết đến từng thửa đất.
Hoàn thiện các quy định về sự tham gia của nhân dân trong lập, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quyền của người sử dụng đất trong khu vực quy hoạch; trách nhiệm công khai thông tin, rà soát điều chỉnh hoặc hủy bỏ dự án không có khả năng thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất.
Về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dự thảo quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí, các trường hợp thu hồi, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát.
Bỏ khung giá đất, nguyên tắc xác định giá đất
Các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu được quy định cụ thể, với điều kiện, tiêu chí đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định cụ thể các trường hợp thuê đất trả tiền một lần, trả tiền thuê đất hằng năm.
Dự thảo luật cũng bỏ quy định khung giá đất, quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường, bảo đảm tính độc lập khách quan, bảng giá đất được xây dựng định kỳ hằng năm.
Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì bảng giá đất được xây dựng theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn. Quy định các trường hợp áp dụng bảng giá đất, trong đó áp dụng bảng giá để tính thuế thu nhập khi chuyển quyền sử dụng đất.
Dự thảo luật bổ sung một chương về phát triển quỹ đất với các cơ chế công khai, minh bạch, hiệu quả để Nhà nước tạo quỹ đất chủ động điều tiết cung – cầu của thị trường, đấu giá quyền sử dụng đất phát huy nguồn lực đất đai.
Phát triển thị trường quyền sử dụng đất lành mạnh, ổn định thông qua các công cụ tài chính, chính sách thuế tăng thêm đối với các dự án chậm tiến độ, không đưa đất vào sử dụng; quy định các giao dịch về quyền sử dụng đất đối với các dự án kinh doanh bất động sản thông qua sàn giao dịch, bắt buộc đăng ký giá đất, tài sản gắn liền với đất.
Nhiều quy định mới về sử dụng đất nông nghiệp
Với quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, sẽ mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân lên không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp.
Mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa là tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Quy định về tập trung, tích tụ đất đai, cơ chế góp quyền SD đất để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn.
Về thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý trong vi phạm, dự luật đã bổ sung quy định về kiểm toán đất đai; theo dõi, đánh giá đối với quản lý, sử dụng đất đai; kiểm tra chuyên ngành đất đai; bổ sung hình thức đối thoại, hòa giải tại tòa án; quy định thẩm quyền cơ quan giải quyết tranh chấp đất đai; quy định trách nhiệm của chủ tịch UBND…
Với các nội dung sửa đổi, Chính phủ trình Quốc hội xin ý kiến về các vấn đề được cho là “phức tạp, nhạy cảm” tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Bao gồm, mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền SD đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm”.