Tăng trưởng kinh tế năm 2023 được Quốc hội giao mục tiêu cho Chính phủ là 6,5%, lạm phát 4,5%, GDP bình quân đầu người khoảng 4.400 USD.
Chiều nay (10/11) Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 đã được Quốc hội thông qua với 465/466 đại biểu tán thành, chiếm 93,57% tổng số đại biểu.
Thảo luận trước đó, một số ý kiến đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng lại một số chỉ tiêu kinh tế với các kịch bản tăng trưởng ở các mức độ khác nhau trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine, xung đột địa chính trị đang gia tăng trên thế giới.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khi báo cáo tiếp thu, giải trình cho hay, kịch bản, chỉ tiêu tăng trưởng GDP 2023 được xây dựng trên cơ sở ước thực hiện GDP năm 2022 đạt khoảng 8% – mức tăng trưởng cao.
Mặt khác, bối cảnh thế giới, trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức; sức ép lạm phát, suy giảm tăng trưởng và suy thoái kinh tế ở một số nền kinh tế, đối tác lớn… cũng tác động tới nền kinh tế nước ta.
“Mức tăng GDP năm 2023 khoảng 6,5%, theo ông Thanh, thể hiện quyết tâm của Chính phủ tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, nên xin Quốc hội được giữ như dự thảo Nghị quyết”, ông Thanh nêu.
Ngoài mục tiêu tăng trưởng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm sau dự kiến khoảng 4,5%. Một số ý kiến đại biểu cho rằng, bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay thì mức này thấp và đề nghị “nới” tốc độ tăng CPI lên khoảng 6-8%.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, mục tiêu CPI bình quân năm 2023 khoảng 4,5% là mục tiêu tổng quát để Chính phủ “ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”.
Về ý kiến cân nhắc khi chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động để 5- 6% là “quá rộng”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chỉ tiêu này phù hợp với mục tiêu tăng trưởng và dự báo về tốc độ tăng lực lượng lao động năm 2023.
Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, Chính phủ trong điều hành cần chủ động hơn nữa để có thể đạt được kết quả ở mức cao nhất, linh hoạt, chủ động, phấn đấu vượt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường được Quốc hội quyết định.
Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện các chính sách, giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Về chính sách tiền tệ, Chính phủ cần có biện pháp tăng năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính ngân hàng trong mọi tình huống; kiểm soát chặt lạm phát, điều hành linh hoạt lãi suất, tỷ giá.
Chính sách tài khoá mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, chống thất thu, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; kiểm soát tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán.
Chính phủ cũng được yêu cầu xử lý triệt để các dự án “treo”, chậm tiến độ; hoàn thiện cơ chế quản lý tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo…
Theo nghị quyết, Quốc hội đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, các dự án đường sắt đô thị; các dự án đường cao tốc, đường vành đai đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Cùng đó, Chính phủ được yêu cầu tháo gỡ khó khăn để đưa các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng trong bảo đảm cung cấp điện đi vào vận hành, như Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nghi Sơn 2, Duyên Hải 2, Vân Phong 1…
Quốc hội yêu cầu trong năm 2023, triển khai các giải pháp để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Chính phủ và các cơ quan liên quan phải xây dựng cơ chế, chính sách cải thiện điều kiện, môi trường làm việc để sớm khắc phục tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc…