8 dự án giao thông trọng điểm của thành phố Thủ Đức

Metro TP HCM

Ngày 01/01/2021 là ngày TP Thủ Đức chính thức được thành lập là Đô Thị Loại I trực thuộc TP HCM, trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức, tổng diện tích hơn 211 km2 và khoảng một triệu dân, dự kiến góp 30% GDP TP.HCM và 7% GDP cả nước. Chính quyền TP HCM đang đẩy nhanh 8 dự án giao thông trọng điểm giúp TP Thủ Đức tăng trưởng nhanh, thay đổi diện mạo giao thông ở khu vực những năm tới.

Metro Số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) 

Tổng vốn đầu tư 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km, trong đó hơn 13 km chạy trên địa bàn TP Thủ Đức, dọc xa lộ Hà Nội. Toàn tuyến có 14 nhà ga (3 ga ngầm, 11 ga trên cao) hiện đạt hơn 78% khối lượng, dự kiến vận hành cuối năm 2021. Đây là tuyến metro đầu tiên của TP HCM, công trình dự án giao thông trọng điểm quốc gia, khi đưa vào khai thác sẽ chở lượng lớn hành khách từ TP Thủ Đức, Bình Dương, Đồng Nai ra vào trung tâm thành phố.

Metro-TP-HCM
Metro Số 1 được đưa xuống đường ray depot Long Bình, Quận 9, TP Thủ Đức

Đường Vành đai 2

Đường Vành Đai 2 là dự án giao thông trọng điểm dài hơn 64 km, có 3 đoạn đi qua quận 9 và Thủ Đức. Trong đó, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức), dài gần 3 km, tổng đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng đang triển khai. Hai đoạn còn lại dài 6 km gồm: từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội và từ nút giao Bình Thái qua đường Phạm Văn Đồng, tổng vốn 14.600 tỷ đồng, dự kiến đầu tư bằng vốn ngân sách. Các đoạn này khi xong giúp giảm áp lực giao thông, tăng khả năng vận chuyển hàng hoá ở cảng Trường Thọ (Thủ Đức), cảng Long Bình (quận 9), kết nối cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây.

duong-vanh-dai-2
Đường Vành Đai 2 TP HCM

Đường Vành Đai 3

Đường Vành Đai 3 dài hơn 90 km đi qua Long An, TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai, chia làm 4 đoạn. Trong đó đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch qua TP Thủ Đức dài gần 18 km, dự án giao thông này có tổng vốn hơn 9.000 tỷ đồng chuẩn bị khởi công được thông báo vào ngày 20/02/2020. Ngoài đoạn này còn có đoạn dài hơn 15 km đi qua TP Thủ Đức với tổng vốn 6.700 tỷ đồng sẽ dùng vốn vay Hàn Quốc và vốn đối ứng Chính phủ. Các đoạn này khi khép kín giúp phát triển kinh tế, xã hội không chỉ cho TP HCM còn cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

duong-vanh-dai-3
Dự án 1A và 1B, thuộc đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch tuyến Vành đai 3 TP HCM

Mở rộng Xa Lộ Hà Nội

Dự án giao thông mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 dài 15,7 km, 12-16 làn xe, tổng vốn hơn 4.900 tỷ đồng, hiện hoàn thành khoảng 80%. Đây là trục huyết mạch kết nối TP Thủ Đức với trung tâm TP HCM và Đồng Nai, Bình Dương. Tuyến đường sau khi mở rộng tăng năng lực chuyên chở hàng hoá qua các khu cảng và kết nối trực tiếp với Metro Số 1, bến xe Miền Đông mới cùng các tuyến vành đai.

mo-rong-xa-lo-ha-noi
Mở rộng Xa Lộ Hà Nội lên 16 làn xe

Nút Giao Mỹ Thủy Thành Phố Thủ Đức (Quận 2)

Nút giao Mỹ Thủy (quận 2) khởi công năm 2016, tổng đầu tư giai đoạn một gần 840 tỷ đồng và giai đoạn hai hơn 1.400 tỷ đồng. Công trình hoàn thành giúp giảm kẹt xe, tai nạn, tăng khả năng chuyên chở ở khu vực cảng Cát Lái – cảng đứng đầu cả nước về sản lượng vận chuyển hàng hóa. Nút giao cũng giúp tăng kết nối các quận 2, 7, 9, cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây… Khởi công cách đây hơn 4 năm nhưng toàn dự án hiện mới đạt 45% khối lượng do chưa có mặt bằng.

cau-vuot-my-thuy
Cầu vượt nút giao Mỹ Thủy đã chính thức được thông xe sáng 29/6. Ảnh: Thanhnien.vn

Nút Giao An Phú Thành Phố Thủ Đức (Quận 2)

Cách đó 3 km nút giao An Phú (quận 2) có 3 tầng với dự án hầm chui đôi, được đề xuất đầu tư giai đoạn một với tổng vốn khoảng 1.000 tỷ đồng. Công trình khi xây dựng cùng với hoàn thành mở rộng cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, kỳ vọng giải quyết ùn tắc và tăng kết nối TP HCM với Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu cùng các tỉnh Đông Nam bộ. Hiện dự án chưa được triển khai.

Cầu Thủ Thiêm 2

Cầu Thủ Thiêm 2 được đánh giá có vai trò quan trọng với giao thông TP HCM khi kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với trung tâm thành phố. Cầu bắc qua sông Sài Gòn, dài hơn 1,4 km, khởi công năm 2015 với tổng vốn gần 3.100 tỷ đồng. Hiện dự án đạt khoảng 70% khối lượng nhưng nhiều hạng mục chưa thể làm tiếp do mặt bằng phía quận 1 gần 13.000 m2 chưa được bàn giao.

Cầu Thủ Thiêm 2 còn một nhịp cuối cùng là sẽ nối bờ quận 1 - Ảnh: Tuoitre.vn
Cầu Thủ Thiêm 2 còn một nhịp cuối cùng là sẽ nối bờ quận 1 – Ảnh: Tuoitre.vn

Bến Xe Miền Đông Mới

Bến xe Miền Đông mới khai thác ngày 10/10 với 22 tuyến cố định từ TP HCM đến Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc. Dự án khởi công tháng 4/2017 trên diện tích 16 ha, vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một 740 tỷ đồng. Đây là bến xe lớn nhất nước, có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm.

ben-xe-mien-dong-moi
Phía trước Bến Xe Miền Đông Mới

Ngoài các dự án nói trên, ở TP Thủ Đức còn có một số công trình dự án giao thông trọng điểm đang triển khai. Đáng chú ý, đường Nguyễn Duy Trinh qua quận 2 và 9 hiện có ba dự án mở rộng chia theo từng đoạn sẽ làm trong các năm tới, tạo thuận lợi cho xe ra vào cảng Phú Hữu, giảm ùn tắc ở khu vực. Quận 9 có dự án mở rộng đường Lã Xuân Oai, Đỗ Xuân Hợp, Liên Phường, Hoàng Hữu Nam, Lê Văn Việt và Bưng Ông Thoàn…

Mới đây trong kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông TP Thủ Đức 10 năm tới, Sở Giao thông Vận tải xác định 5 nhóm dự án cần tập trung để hình thành hệ thống giao thông thông minh, tổng vốn dự kiến hơn 300.000 tỷ đồng. Cụ thể gồm: chương trình đô thị thông minh; hạ tầng đường bộ; metro, buýt nhanh (BRT), đường thuỷ; bến bãi. Riêng giao thông công cộng ở đây được đặt mục tiêu đến năm 2040 đáp ứng từ 50%-60% nhu cầu đi lại của người dân.

Nguồn: Tổng hợp

Join The Discussion

0 thoughts on “8 dự án giao thông trọng điểm của thành phố Thủ Đức”

  • Korea KITA signed Contract to operate Largest Trade Center in Vietnam

    […] located in the Southern key economic region, about 25 km from the center of Ho Chi Minh city which the new Ring Road will help commune fast to the Province, is currently the largest industrial city in […]

    Reply

Compare listings

Compare