Thủ tướng bấm nút khởi công xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành

san-bay-quoc-te-long-thanh

Sáng 5-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bấm nút khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 – dự án thành phần 3.

Lễ khởi công xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành diễn ra tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, do Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm trong Top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới. Đây là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, thể hiện khát vọng, ý chí vươn lên mạnh mẽ của nước ta, có ý nghĩa to lớn với sự phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Đây cũng là dự án hạ tầng với tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay.

thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-va-cac-dai-bieu-bam-nut-khoi-cong
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu bấm nút khởi công

Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư là 109.111,7 tỉ đồng (tương đương 4.664,89 triệu USD). Có 1 đường cất hạ cánh với chiều dài 4.000m, chiều rộng 75m và hệ thống đường lăn, sân đỗ đảm bảo cho các loại tàu bay hoạt động; 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm với tổng diện tích sàn 373.000m2; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Theo Quyết định 1777/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký tháng 11.2020, về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với mục tiêu đầu tư xây dựng Cảng này đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Long Thành là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Tại quyết định, dự án được phân chia thành 4 dự án thành phần bao gồm:

  • Dự án thành phần 1 – các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước
  • Dự án thành phần 2 – các công trình phục vụ quản lý bay
  • Dự án thành phần 3 – các công trình thiết yếu trong cảng hàng không
  • Dự án thành phần 4 – các công trình khác.

Riêng với dự án thành phần 3 – các công trình thiết yếu trong cảng hàng không do nhà đầu tư khai thác cảng thực hiện được giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn của ACV bao gồm hạ tầng chung (rà phá bom mìn, san lấp và chuẩn bị mặt bằng, xây dựng hàng rào, giao thông kết nối tuyến số 1, số 2 và các nút giao; đường và bãi đỗ ôtô, cầu, hầm, cấp điện, cấp thoát nước, chiếu sáng, viễn thông); công trình tại khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn, đèn hiệu hàng không); sân đỗ tàu bay; hệ thống cung cấp nhiên liệu tàu bay; nhà ga hành khách; nhà ga hàng hoá số 1, nhà để xe, tòa nhà điều hành Cảng và các công trình phụ trợ khác.

san-bay-long-thanh
Sân bay Long Thành

Chủ tịch Hội đồng thành viên ACV – ông Lại Xuân Thanh cho biết, ACV sẽ triển khai các bước tiếp theo thực hiện quyết định đầu tư các dự án thành phần theo quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện và hiệu quả đầu tư. Theo đó, Cảng Long Thành sẽ được áp dụng các công nghệ hiện đại và có tính mở để có thể dễ dàng cập nhật các công nghệ tiên tiến nhất trong việc đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành khai thác theo tiêu chuẩn quốc tế và tương đương các Cảng hàng không quốc tế tiên tiến trên thế giới.

Huy động nguồn vốn khổng lồ – lợi ích dự tính sau khi xây dựng siêu dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Liên quan đến việc huy động nguồn vốn khổng lồ cho siêu dự án này, theo ông Thanh ACV hiện có 29.225 tỉ đồng tiền mặt và dòng tiền tích lũy trong giai đoạn 2020-2025 dành riêng cho dự án là 6.877 tỉ đồng. Số vốn còn lại dự kiến được ACV huy động dưới nhiều hình thức như vay thương mại, phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường trong nước và quốc tế…

Tổng mức đầu tư lớn, được chia làm 3 giai đoạn, khi hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với nhiều hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Đồng Nai, TP.HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ, kể cả một số tỉnh Tây Nam Bộ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng sớm có phương án kết nối giao thông với sân bay Long Thành một cách đồng bộ, kể cả phát triển đô thị, các khu du lịch, dịch vụ, trong đó hệ thống giao thông kết nối sân bay gồm ba tuyến đường bộ và hai tuyến đường sắt.

Những tuyến này cùng với cảng hàng không quốc tế Long Thành mở ra không gian phát triển mới cho vùng nhờ kết nối, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy cơ cấu kinh tế mới thiên về sản xuất dịch vụ, tạo ra năng lực cạnh tranh mới cho cả vùng Đông Nam Bộ và cả nền kinh tế.

san-bay-long-thanh
Sân bay Long Thành

Thủ tướng đề nghị bà con nhân dân trong vùng ảnh hưởng, tác động của dự án tiếp tục đồng hành, vì lợi ích quốc gia; ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để dự án hoàn thành thuận lợi, đúng kế hoạch.

Nếu dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng, theo một tổ chức quốc tế của Úc đánh giá, sân bay này có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP từ 3-5%.

Đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành liên quan, của tỉnh Đồng Nai, ACV, Thủ tướng hoan nghênh cam kết của chủ đầu tư khi đưa các hạng mục rà phá bom mìn, xây dựng hàng rào, san lấp mặt bằng có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng khởi công và hoàn thành ngay trong năm 2021.

Nguồn: Tổng hợp

Join The Discussion

Compare listings

Compare